Để thực thi, tới nay đã có 77 quốc gia, 10 khu vực và 100 thành phố cam kết mục tiêu (Net-Zero) vào năm 2050, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất thế giới bao gồm Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ. Là một trong 196 quốc gia tham gia ký kết Thỏa thuận Paris, và cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã xác định Cường độ phát thải khí nhà kính/GDP năm 2030 phải giảm ít nhất 15% so với năm 2014, và con số này vào năm 2050 là 30%.
Với chức năng cung cấp, điều phối dòng vốn, tài chính cho nền kinh tế, hệ thống Tài chính – Ngân hàng giữ vai trò then chốt trong hiện thực hóa các mục tiêu về Net-Zero. Nguồn phát thải chính từ các Ngân hàng không đến từ hoạt động kinh doanh trực tiếp mà đến từ hoạt động cấp vốn, tài chính cho các khách hàng/dự án mà từ đó tạo ra sự phát thải. Do đó, để đạt được cam kết Net-Zero (thực tế đã có hơn 70 ngân hàng trên khắp thế giới đưa ra cam kết này), các Ngân hàng cần chuyển dịch hoạt động cho vay, cấp tài chính của mình hướng tới các khách hàng/dự án xanh, thân thiện với môi trường và có lượng phát thải thấp. Cũng từ đây, khái niệm “transition finance/tài chính chuyển dịch” cũng bắt đầu được nhắc tới và trở nên phổ biến.
Để hiểu thêm về mục tiêu, kế hoạch hướng tới Net-Zero mà các Ngân hàng dẫn đầu đang đặt ra, thực trạng về transition finance và các cách làm sáng tạo để tích hợp đánh giá rủi ro môi trường trong thẩm định phương án tín dụng đang được một số Tổ chức tín dụng áp dụng, Ban Chiến lược (PMO) giới thiệu tới các M-Bers Podcast: Mô hình kinh doanh Tín dụng Xanh với các Chuyên gia đến từ S&P Global, Standard Chartered Bank, Natixis Bank và Hiệp hội Ngân hàng Pháp.