Thượng tướng Lê Hữu Đức - vị tướng đi từ chiến trường đến thương trường
20/12/2023
1999
0
4
0
Sắc màu MBTrong hành trình kiến tạo để trở thành một định chế tài chính hàng đầu quốc gia và Quân đội như hôm nay, MB đã được chèo lái bởi 5 “thuyền trưởng” qua các giai đoạn khác nhau, trong đó có 12 năm Thượng tướng Lê Hữu Đức làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (từ tháng 4-2011 đến tháng 4-2023), người được coi là “Tổng công trình sư” đưa MB qua 3 giai đoạn phát triển quan trọng.

Từ trắc thủ tên lửa đến Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo lời kể của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, anh có cơ duyên biết Thượng tướng Lê Hữu Đức đúng đợt cơn bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung tháng 9-2009. "Khi ấy, tôi là cậu Thiếu úy, phóng viên trẻ của Báo Quân đội nhân dân đi theo chuyến bay trực thăng quân sự kiểm tra và cứu trợ người dân sau bão của Bộ Quốc phòng từ Đà Nẵng vào Quảng Nam. Trên máy bay có hai đồng chí Trung tướng là Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) Lê Hữu Đức.

Bữa trưa hôm ấy ở Tiểu đoàn căn cứ sân bay Chu Lai, mỗi người chỉ có bát mì tôm và một quả trứng gà. Vừa vào mâm, thoáng nhìn qua cậu phóng viên trẻ gầy gò ngồi cuối bàn là tôi, Trung tướng Lê Hữu Đức cất giọng gọi: “Này Giang, tớ chia cho cậu quả trứng nhé, phóng viên trẻ mới đi vất vả lần đầu à! Chịu khó ăn uống cho bảo đảm”. Tôi thật sự bối rối, một Thiếu úy nhìn thấy các vị tướng đã e ngại rồi, chứ nói gì đến chuyện vị Trung tướng - Tư lệnh nhường cho mình quả trứng." 

Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Lê Hữu Đức và Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm hỏi, động viên nhân dân tại Quảng Nam sau bão số 9 năm 2009.

Thượng tướng Lê Hữu Đức sinh năm 1955, tại Lương Lỗ, Thanh Ba, Phú Thọ. Đầu năm 1973, chàng trai 18 tuổi Lê Hữu Đức nhập học ngành cơ điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, rồi nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, gác bút nghiên, lên đường vào miền Nam chiến đấu. Tháng 8-1973, Lê Hữu Đức nhập ngũ, đến năm 1974 là chiến sĩ thuộc biên chế Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 274, Sư đoàn 367 (Quân chủng Phòng không-Không quân), thuộc đội hình Quân đoàn 1 hành quân vượt Trường Sơn vào Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Lê Hữu Đức là trắc thủ cự ly của tên lửa SAM-2 tại trận địa Hóc Môn với nhiệm vụ cùng đơn vị làm “màn che” cho bộ binh tiến vào trung tâm Sài Gòn...

Đất nước thống nhất, từ năm 1976 đến năm 1981, Lê Hữu Đức sang Liên Xô học Trường Kỹ sư chỉ huy phòng không Odessa. Tốt nghiệp với quân hàm Trung úy, chàng sĩ quan trẻ trở về công tác tại Trung đoàn 285, Sư đoàn 363 cho đến khi lên tới Đại tá, Sư đoàn trưởng năm 1999. Năm 2003, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Lê Hữu Đức được thăng quân hàm Thiếu tướng; năm 2006 bổ nhiệm Tư lệnh và thăng quân hàm Trung tướng năm 2007. Năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương; Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII. Năm 2011, ông được thăng quân hàm Thượng tướng, đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng quản trị MB.

Từ Tổ trưởng Tổ tăng gia đến Thứ trưởng phụ trách kinh tế

Cuối tháng 11 vừa rồi, tôi có dịp chứng kiến cuộc hội ngộ tại Hà Nội của 3 người đồng hương, đồng ngũ, 3 trắc thủ tên lửa tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh sau gần 50 năm. Họ gồm: Phạm Đức Thành, trắc thủ góc tà; Nguyễn Đình Nghi, trắc thủ phương vị và Lê Hữu Đức, trắc thủ cự ly, tên lửa SAM-2, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 274, Sư đoàn 367. Câu chuyện của 3 người lính chiến cùng nhập ngũ, cùng một kíp tên lửa cách đây gần nửa thế kỷ ùa về. Đại tá Phạm Đức Thành (nguyên Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 367) kể lại: “Ngày ấy, anh em làm tăng gia, đi trồng rau, lấy củi, bắt cá hay xuống dân vận mà có anh Lê Hữu Đức làm tổ trưởng là đâu ra đấy. Chúng tôi cứ đùa, sau này hòa bình, biết đâu cậu lại trở thành giám đốc xí nghiệp đấy”.

Thế rồi lời trêu đùa tuổi 20 của những người đồng đội ấy đã thành hiện thực. Tháng 4-2011, Trung tướng Lê Hữu Đức, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch HĐQT MB. Ông trở thành chủ tịch thứ 4 của MB và gắn bó tới 12 năm sau, góp phần quan trọng định hình, kiến tạo để MB trở thành một định chế tài chính hàng đầu như hiện nay.

Thượng tướng Lê Hữu Đức (ngồi giữa) gặp lại các bạn đồng ngũ trong kíp tên lửa SAM-2 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Là Chủ tịch HĐQT MB từ tháng 4-2011 đến tháng 4-2023, Thượng tướng Lê Hữu Đức đã đồng hành với Ngân hàng qua 3 giai đoạn chiến lược phát triển quan trọng. Ông đã ghi dấu ấn đậm nét về chỉ đạo xây dựng mô hình quản trị, định hướng chiến lược và phương thức quản lý của mình tại MB. Ông là người củng cố bản sắc Quân đội trong văn hóa doanh nghiệp MB với phương châm “Kỷ luật nghiêm - Thượng tôn pháp luật - Hiệu quả An toàn - Không sợ cạnh tranh - Có trách nhiệm với xã hội”.

Dưới sự lãnh đạo của ông, MB đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý các cấp vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, truyền động lực cho cán bộ, nhân viên và sẵn sàng nhận nhiệm vụ, thử thách mà tổ chức giao phó. Hiện nay, tại MB, cơ bản thành viên HĐQT (trừ các thành viên độc lập), ban điều hành, lãnh đạo các khối, phòng, ban, chi nhánh các công ty thành viên đều được xây dựng, bồi dưỡng và giao trọng trách từ Chủ tịch Lê Hữu Đức. Thượng tướng Lê Hữu Đức nói rằng: “Mỗi doanh nghiệp như một con tàu, con tàu càng lớn thì vận động với quán tính càng lớn. Để vững vàng vượt qua gió to, sóng cả, đi tới đích xa hơn, đòi hỏi từ suy nghĩ và hành động, từ người cầm lái đến mọi thủy thủ phải thống nhất, ăn khớp nhịp nhàng, nhằm phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả con tàu. Muốn vậy, những suy nghĩ, hành động đó phải được xây dựng, bồi đắp, nhất quán trên một nền tảng văn hóa riêng”.

Chuẩn bị kỹ chuyển giao và tâm huyết với thế hệ sau

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tướng Lê Hữu Đức nhắc đi nhắc lại rằng, một trong những điều ông tâm đắc nhất, toại nguyện nhất là việc chọn được người thay thế mình xứng đáng, một người đủ tài, đủ đức là Đại tá Lưu Trung Thái. Chính vì vậy, mặc dù nhiệm kỳ chủ tịch phải tới giữa năm 2024-khi Đại hội đồng cổ đông được triệu tập-mới kết thúc, nhưng ông vẫn chủ động, “kiên quyết” thuyết phục lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho mình được nghỉ hưu sớm hơn một năm.

Trên thực tế, Thượng tướng Lê Hữu Đức nghỉ công tác, thôi chức danh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 2016, nhưng Thường vụ Quân ủy Trung ương đã quyết định kéo dài thời gian làm Chủ tịch HĐQT MB của ông tới năm 2019. Sau năm 2019, Thượng tướng Lê Hữu Đức xin nghỉ nhưng lãnh đạo Bộ Quốc phòng tiếp tục kéo dài nhiệm kỳ chủ tịch của ông tới năm 2024... Thượng tướng Lê Hữu Đức tâm sự, trong 12 năm ông làm Chủ tịch HĐQT MB thì Đại tá Lưu Trung Thái làm Phó chủ tịch HĐQT 10 năm, đồng thời kiêm Tổng giám đốc gần 7 năm. Đó chính là người hiệp đồng, hỗ trợ vô cùng ăn ý, hiệu quả để cùng ông và HĐQT, Ban điều hành đưa Ngân hàng liên tục cán những cột mốc thành tựu mới.

Nhìn lại chặng đường 12 năm làm Chủ tịch HĐQT MB, chắc chắn Thượng tướng Lê Hữu Đức có rất nhiều dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của MB để trở thành một trong những đơn vị thuộc tốp đầu ngân hàng TMCP như hiện nay. Đầu tiên là việc ngày 23-5-2011, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 1739/QĐ-BQP về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý hành chính quân sự MB từ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là bước chuyển biến về chất vô cùng quan trọng mà Thượng tướng Lê Hữu Đức là người chủ trì thực hiện ngay sau khi được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch HĐQT MB. Đồng thời với cuộc chuyển giao này, bộ máy MB được “quân sự hóa” cơ bản khi đội ngũ nhân sự cấp cao tại Ngân hàng lần lượt được tuyển dụng sĩ quan.

Tiếp đến, ngày 1-11-2011, MB đã đưa cổ phiếu mã MBB chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Sự kiện này thể hiện tầm nhìn của Chủ tịch Lê Hữu Đức cùng HĐQT, Ban lãnh đạo trong chiến lược phát triển MB, đưa MB phát triển sang một giai đoạn mới, đồng thời mở ra triển vọng, cơ hội cho các nhà đầu tư.

Cũng trong giai đoạn này, MB đã hướng tới hoạt động theo mô hình tập đoàn (MB Group) với công ty mẹ là ngân hàng và các công ty con thuộc các lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, quản lý nợ và khai thác tài sản, tài chính tiêu dùng. Thượng tướng Lê Hữu Đức đã định hướng cơ cấu lại các công ty thành viên, trên cơ sở lợi thế tập đoàn, đặt mục tiêu xây dựng các công ty con trở thành các doanh nghiệp dẫn đầu, hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Có thể thấy, câu chuyện của MB xét cho cùng là câu chuyện của con người. Từ 25 cán bộ, nhân viên năm 1994, đến nay, MB đã quy tụ được hơn 16.000 người về chung một mái nhà. Người MB không chỉ sống trong văn hóa MB mà còn góp phần vun đắp nên một văn hóa MB đậm đà bản sắc. Sẽ đến lúc những con số ấn tượng như số vốn điều lệ tăng từ 20 tỷ đồng lên tới 52.000 tỷ đồng; tổng tài sản từ 33 tỷ đồng lên 850.000 tỷ đồng; hay lợi nhuận từ 0,2 tỷ đồng tăng lên 26.000 tỷ đồng với 25 triệu khách hàng, 311 điểm giao dịch... bị chính MB xô đổ bằng những kỷ lục khác, những kiến tạo khác, nhưng văn hóa doanh nghiệp và sự chung tay xây dựng niềm tin trong công việc là điều luôn được bảo đảm vững chắc, trong đó có dấu ấn đặc biệt của Thượng tướng Lê Hữu Đức.